Đường đến Hàm Rồng
Năm 2002, HAGL gây sốc khi chiêu mộ ngôi sao số một của bóng đá Thái Lan lúc bấy giờ là Kiatisak Senamuang. “Zico Thái” chính là người đặt viên gạch mở đầu trào lưu cho các đồng hương ồ ạt kéo sang Việt Nam chơi bóng. Trong số những cái tên ấy, có ngôi sao đang lên Sakda Joemdee, người được kỳ vọng gánh trên vai tuyến giữa ĐT Thái Lan.
Những người Thái có đóng góp rất lớn khi đưa HAGL vô địch V.League ngay trong năm đầu thăng hạng 2003. Trên đỉnh cao danh vọng, Sakda đã đi theo tiếng gọi của kim tiền khi chuyển đến Ngân hàng Đông Á (TP.HCM). Chẳng được bao lâu, anh lại “xê dịch” đến Tiền Giang rồi Persijap Jepara (Indonesia). Sau những “cuộc tình” chóng vánh, năm 2007, Sakda nối lại tình xưa với HAGL, nhưng đấy là thời điểm đội bóng phố Núi đã không còn nằm trong nhóm “ông kẹ” của V.League.
Hai năm sau ngày trở lại Hàm Rồng, Sakda Joemdee cùng đồng hương Nirut Surasiang được HAGL nhập tịch thành công và cả hai đều lấy họ Đoàn (giống họ của Chủ tịch HAGL, Đoàn Nguyên Đức). Đoàn Văn Sakda và Đoàn Văn Nirut trở thành người Việt kể từ đó và HAGL kỳ vọng, việc hai cầu thủ Thái Lan này trở thành nội binh sẽ giúp đội bóng tìm lại ánh hào quang.
Thế nhưng, dấu ấn mà Đoàn Văn Sakda và đồng hương của anh để lại rất mờ nhạt. Nhiều người đã tự hỏi, tại sao bầu Đức lại tốn tiền và mất nhiều thời gian cho một cầu thủ như Sakda? Người HAGL cho rằng, việc nhập tịch Sakda cũng là cách để HAGL níu chân anh ở lại. Và đấy cũng là cách đưa thương hiệu HAGL tiếp tục gần hơn với công chúng Thái Lan.
Người Việt cũng bất ngờ với Sakda
Nhắc đến chuyện nói tiếng Việt, các cầu thủ HAGL rất nể Kiatisuk khi anh vừa đánh ghi-ta, vừa hát bài “Hát với dòng sông” rất ngọt. Không chịu thua kém, Đoàn Văn Nirut cũng có thể ngồi nhậu và “chém gió” bằng tiếng Việt mà không cần sự trợ giúp. Đoàn Văn Sakda còn dữ dội hơn bởi sự đa năng trong cách nói tiếng Việt. Đặc biệt, tiền vệ người Thái có thể phát âm rất chuẩn, thậm chí nói “tiếng lóng” thành thạo. Cũng chính vì điều này mà không ít lần đồng đội người Việt phải té ngửa vì độ quái của Sakda.
Với vốn tiếng Việt sành sỏi, Sakda không chỉ sống khỏe với những người Việt xung quanh, nó còn là vũ khí để anh “bật” lại những điều mà anh cho là chướng mắt. Vì thế không ít lần Sakda phải ăn thẻ vì tội “phun châu nhả ngọc” để khiêu khích đối phương và cả trọng tài. Dù vậy, Sakda không được liệt vào dạng cầu thủ… đá láo. Hầu hết những chiếc thẻ mà anh phải nhận đều đến từ lời qua, tiếng lại hơn là những pha vào bóng ác ý với đối thủ.
Đoàn Văn Sakda từng được đồng đội liệt vào nhóm những cầu thủ “đệ nhất xấu” trong làng bóng đá Việt Nam. Đúng là khi ngắm kỹ, khuôn mặt của Sakda không ưa nhìn như Kiatisuk, Nirut… Dù vậy, Sakda được xem là “sát thủ” tình trường. Cho đến nay, đồng đội của anh không thể nhớ bao nhiêu bóng hồng đã đi qua đời Sakda. Họ chỉ nhớ, trong những ngày tháng cùng HAGL vô Nam ra Bắc thi đấu, Sakda được một cô gái ở miền Tây chết mê chết mệt, dù biết anh đã có “hậu phương” ở Thái Lan.
Điều đặc biệt, cô gái có ngoại hình như người mẫu này từng là mơ ước của nhiều cầu thủ Việt. Thế nhưng, chẳng hiểu sao cô lại phải lòng anh chàng như Sakda. Tiếc thay, đấy chỉ mối tình qua đường. Khi Sakda rời phố Núi thì cô nàng cũng tốt nghiệp Đại học và sang ngang theo chồng.
Trong dòng chảy thăng trầm của bóng đá Việt Nam có dấu ấn sâu đậm của những cầu thủ Thái Lan. Đoàn Văn Sakda dù không mang đến cho HAGL thành tích, nhưng anh cũng là nhân vật góp phần đưa V.League gần hơn với những CĐV xứ Chùa vàng. Hơn 1 thập niên, đến rồi đi và trở lại, Đoàn Văn Sakda xứng đáng có mặt trong cuốn biên nên sử của đội bóng phố Núi.
“Đa đại đế” của phố Núi VÀI NÉT VỀ ĐOÀN SAKDA Các CLB đã qua ĐTQG |
XEM THÊM
Cựu tiền đạo Francois Endene: Người Mexico không trầm lặng
Văn Hậu có bị Heerenveen giảm lương trước yêu cầu của FIFA?
Nghỉ vì dịch Covid-19, Hùng Dũng học tiếng Anh, thầy Park học tiếng Việt