Lịch thi đấu giai đoạn 1 V.League 2020
Chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua, Nguyễn Công Phượng vừa hoàn thành 2 công việc quan trọng của đời mình. Đó là đính ước với bạn gái yêu mình 4 năm và cùng bằng hữu Trần Hữu Đông Triều mở xong quán bánh tráng thịt heo. Đó có thể xem như một sự ổn định trước khi tập trung vào sự nghiệp bóng đá mà Công Phượng đeo đuổi hơn 10 năm qua. Và một trong những điều liên quan đến bóng đá mà anh khao khát muốn hoàn thiện mình hơn chính là tâm lý đứng trước chấm 11 mét.
Ngày 30/5/2020, người hâm mộ TP.HCM đã trải qua một phen thót tim trong màn đá luân lưu ở vòng 1/8 cúp Quốc gia giữa họ và SHB Đà Nẵng. Công Phượng thực hiện lượt sút luân lưu của mình. Anh dứt điểm vào chính giữa, tầm thấp cầu môn. Đó là khu vực mà Công Phượng chưa một lần thất bại khi đá phạt đền.
Nhưng bản thân Công Phượng cũng đã phải hú vía khi chứng kiến thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh bên phía SHB Đà Nẵng chạm được vào trái bóng trước vạch vôi khi thực hiện động tác đổ người. Đó là một tình huống mà Tuấn Mạnh bị phân vân giữa việc bay về góc xa hay cản bóng ở chính giữa khung thành. Nếu như Tuấn Mạnh quyết đoán hơn khi ấy, Công Phượng sẽ một lần nữa thất bại khi đá penalty.
Phải 1 năm trôi qua, Công Phượng mới đứng trước chấm 11 mét để thực hiện một quả đá phạt ở một trận đấu chính thức. Quay ngược thời gian vào năm ngoái, cũng đầu tháng 6 này, khi đội tuyển Việt Nam đá luân lưu trong trận chung kết với Curacao tại King’s Cup, Công Phượng cũng không thực hiện thành công. Trong vòng 7 năm (từ 2013 đến nay), Công Phượng đã đá 31 quả penalty. Và 1/3 trong số đó, tiền đạo này thất bại.
Đáng nói hơn, tần suất đá hỏng phạt đền của Công Phượng đang diễn ra khá nhiều trong thời gian 3 năm trở lại đây. Anh thậm chí từng thực hiện bất thành trên chấm 11 mét tới 2 lần trong 1 trận đấu. Đó là khi Olympic Việt Nam thắng Olympic Pakistan tại ASIAD 2018. Và kể từ thời điểm đó cho đến trận chung kết King’s Cup 2019, tức là suốt 1 năm, Công Phượng không được HLV Park Hang Seo tín nhiệm trao quyền đá phạt đền. Hẳn nhiên, điều đó ảnh hưởng đến thành tích ghi bàn của Công Phượng ở cấp độ các ĐTQG dưới thời nhà cầm quân Hàn Quốc. Bởi nếu như ông Park trao quyền đá phạt đền cho anh thay vì đội trưởng Quế Ngọc Hải, Công Phượng có lẽ vẫn sẽ dẫn đầu danh sách “dội bom” chứ không phải là Quang Hải - người đã ghi 16 bàn (hơn Công Phương 2 bàn) trong suốt thời gian qua.
Công Phượng đã không dưới 1 lần thay đổi cách sút của mình. Từ sự ngẫu hứng đá kiểu panenka thời còn trẻ, Phượng chuyển sang lấy đà chậm rãi nhiều bước trước khi vung chân dứt khoát đưa bóng đi nhanh về góc mà mình mong muốn. Anh ít khi thực hiện những động tác giả để đánh lừa thủ môn. Nhưng có 2 vấn đề trong những pha đá hỏng này. Một, lực sút của Công Phượng là quá mạnh khiến bóng vọt ra khỏi cầu môn. Hai, anh để lộ ánh mắt hướng về góc mà mình dứt điểm trước khi thực hiện quả đá phạt đền. Cả hai vấn đề này tổng hòa trong cả một lượt đá hỏng phạt đền mà Công Phượng thực hiện ở trận Việt Nam thua luân lưu trước Curacao tại King’s Cup 1 năm về trước.
Xét trên yếu tố khách quan, các thủ môn cũng đã nghiên cứu nhiều về những quả đá luân lưu của Công Phượng. Thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh của SHB Đà Nẵng thực tế cũng đã ít nhiều phán đoán về góc sút chính giữa cầu môn mà Công Phượng đạt tỷ lệ thành công là 100%. Nhưng anh lại chần chừ trong quyết định đổ người sau cùng của mình dẫn đến việc dù có chạm được vào bóng sau cú sút của Công Phượng đi chăng nữa thì cũng không đủ lực để ngăn cản pha bóng đó thành bàn cho TP.HCM.
Lúc này, sau khi ổn định chuyện tình cảm, tiến thêm một bước ở việc kinh doanh, Công Phượng có thể toàn tâm toàn ý nâng tầm bản thân của mình. Sự tự tin, cảm giác bóng trong thi đấu là điều mà Công Phượng cần tìm lại cho chính mình ở giai đoạn tới đây. Có như thế khi bước lên chấm 11 mét, Phượng mới có cái đầu lạnh hơn để thực hiện những pha dứt điểm, với tỷ lệ chính xác cao hơn so với hiện tại.
XEM THÊM
Công Phượng hạnh phúc khi đính ước với Viên Minh