Cần động cơ đủ mạnh
HLV Philippe Troussier đã nói lời chia tay với ĐT Việt Nam, sau thất bại dẫn dến mất quyền tự quyết ở vòng loại World Cup 2026 trước Indonesia. Nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan tác động vào hành trình 1 năm không thành công với “Những chiến binh sao Vàng” của HLV Troussier. Nhưng dù có muốn hay không, trực tiếp bản thân ông Troussier sau cùng cũng không thể đưa ĐT Việt Nam tiến về phía trước, xét ở góc độ thành tích trận đấu hay giải đấu.
Ông Troussier thất bại và rời đi. Một HLV khác sẽ lên thay thế. Tuy nhiên trước khi chờ đợi vị HLV đó đem đến những điều tích cực cho ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam, nội tại các cầu thủ nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung cũng cần tạo ra một tiến trình vững vàng. Như ở thời điểm còn tại vị, HLV Troussier đã ví một ĐTQG như chiếc xe ô tô, được cấu thành với rất nhiều bộ phận. Song song với đó, để chiếc xe ấy thật sự bon bon tới đích, con đường cũng cần có đủ độ bằng phẳng.
Tiến trình mà ông Troussier tin tưởng là phát triển từ yếu tố vi mô cho cầu thủ như đỡ bóng, chuyền bóng, hướng phát triển quả bóng của cầu thủ… cho đến vĩ mô như hệ thống giải chuyên nghiệp, nguồn lực cầu thủ ra nước ngoài và ngược lại là kêu gọi những cầu thủ Việt kiều về nước.
Nếu làm được điều đó, nội lực của ĐT Việt Nam đủ vững vàng để tin tưởng về hành trình hướng tới World Cup. Bằng không, theo HLV Troussier, ngay cả đó là Pep Guardiola hay Jose Mourinho cũng sẽ khó có thể đưa “Những chiến binh sao Vàng” tới cái đích kỳ vọng.
Cầu thủ Việt Nam đang ở đâu?
Như Đỗ Hùng Dũng nói, HLV đến rồi đi, còn đội tuyển Việt Nam thì còn mãi. Đúng. Có một thứ để đội tuyển Việt Nam tiến lên mà không phải chịu ảnh hưởng quá sâu sắc đến từ từng HLV đến rồi đi theo nhiệm kỳ. Đó là kỹ năng, tư duy và sự chuyên nghiệp sân cỏ. Các tuyển thủ quốc gia Việt Nam của mình về cơ bản vẫn hay ở bình diện V.League. Mở rộng hơn, những Tiến Linh, Tuấn Hải là mục tiêu chuyển nhượng diện ngôi sao ở những giải như Malaysia, Indonesia.
Tuy nhiên khi vươn lên từ Thái Lan trở đi, chúng ta sẽ thấy mình thiếu hụt và cần phải nỗ lực rất nhiều để cạnh tranh với các nội binh. Câu chuyện Xuân Trường không có chỗ đứng ở Buriram hay xa hơn là việc các tuyển thủ chất lượng như Văn Hậu, Quang Hải, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn gặp vất vả khi xuất ngoại là một minh chứng tiêu biểu.
Như đã nói ở trên, Indonesia chưa hẳn đã hay hơn Việt Nam. Nhưng họ lại có được những gương mặt Indonesia kiều đạt trình độ cao, đủ để ra sân chơi bóng thường xuyên ở giải hạng trung và khá tại châu Âu. Những tình huống dẫn đến bàn thắng của Indonesia đa phần đến từ các cầu thủ nhập tịch này. Và bằng sự đột phá đến từ cá nhân trình độ cao, “Bầy Garuda” đã thắng được Việt Nam trong 3 lần đối diện gần nhất.
Rõ ràng, điều mà ĐT Việt Nam cần không chỉ là một HLV phù hợp, có trình độ mà nội lực các cầu thủ cũng cần phải được nâng lên. Chúng ta từng có một giai đoạn bùng nổ và vượt ngưỡng năng lực, trong 5 năm nhiệm kỳ vang dội của HLV Park Hang Seo. Nhưng nếu nhìn rộng hơn từ năm 2010 cho đến 2024, giai đoạn ấy sẽ lại chỉ là 1 phần, trong bức tranh tổng thể vẫn còn cần phải cố gắng nhiều hơn đối với bóng đá Việt Nam.