Bóng Đá Plus trên MXH

Huyền thoại cầu lông Lin Dan giải nghệ: Kẻ cô độc vĩ đại
08:02 ngày 07/07/2020
2 HCV Olympic, 5 chức vô địch thế giới và 666 chiến thắng trong sự nghiệp nhưng đấy mới là những biểu hiện vật lý bề nổi đại diện cho sức mạnh vô song của Lin Dan. Ngày Lin Dan giải nghệ cũng là ngày, cầu lông thế giới chia tay một biểu tượng vĩnh cửu và trường tồn với thời gian, một tay vợt đơn giản là “không có đối thủ”.

    Trong 22 năm thi đấu đỉnh cao của Lin Dan, Ấn Độ đã kịp xây dựng và trình làng 5 thế hệ VĐV. Sản phẩm xuất sắc nhất của mỗi thế hệ này đều chạm trán Lin Dan ở chung kết 5 giải đấu lớn thuộc hệ thống World Series và kết quả, không một ai giành nổi một set thắng trước Super Dan. Một hình ảnh khái quát, tóm gọn sự vĩ đại của Lin Dan, người được giới chuyên môn đánh giá “trẻ mãi với thời gian”. 

    Gopichand, huyền thoại cầu lông Ấn Độ, một trong hai tay vợt hiếm hoi tới từ quốc gia Nam Á có kết quả đối đầu thắng Lin Dan (2-1) cho rằng, Lin Dan và Lee Chong Wei đã nâng tầm cầu lông nhờ đem tới khái niệm và chuẩn mực mới về vấn đề thể lực. 

    Prannoy Kumar (27 tuổi, hạng 28 thế giới) nhớ lại kỷ niệm không bao giờ quên tại Malaysia Open 2015. Buổi sáng ngày thi đấu, Prannoy dậy sớm, khoảng 5h30 và xuống nhà ăn khách sạn dùng bữa. Sau đấy 5 tiếng sẽ là trận đánh với Lin Dan. Thông thường vào ngày ra quân, các tay vợt thường thả lỏng, cho chân tay gân cốt được thư giãn để bước vào trận với tâm lý thoải mái. Nhưng khi Prannoy đi ngang qua phòng tập gym của khách sạn, anh nhìn thấy Lin Dan đang nâng tạ, mồ hôi nhễ nhãi và tiếng thở gấp to tới nỗi ở tầng trên cũng nghe thấy. 

    Bấy giờ, Prannoy giật mình, còn tưởng rằng mình nhớ sai lịch thi đấu nên lập tức kiểm tra với BTC. Nhưng không, Prannoy không nhầm và chỉ là Lin Dan “quá khỏe”, vượt qua mọi giới hạn và thông lệ thường thấy. “Hôm đó, tôi biết rằng mình không thể đánh bại anh ấy”, Prannoy nhớ lại. Tỷ số chung cuộc là 21-9, 21-11 cho Lin Dan. 

    Một giai thoại khác được Prannoy kể lại, càng khẳng định thêm thế độc cô cầu bại của Lin Dan. Sau năm 2013, các hãng vợt có xu hướng thiết kế bằng vật liệu carbon nhằm giảm trọng lượng cây vợt, giúp tăng gia tốc cho từng cú đánh mà không cần nhiều sức của VĐV. Tuy nhiên, cây vợt của Lin Dan tại Pháp mở rộng 2015 mà Prannoy có dịp được cầm là loại thửa riêng, rất nặng, phải nặng hơn gậy thông thường 1,5 lần. Điều đó có nghĩa, sức khỏe của Lin Dan là phi thường bởi tay vợt người Trung Quốc thường xuyên bật nhảy đập cầu ở tốc độ cao. 

    Nếu bóc tách nhỏ lẻ, Lin Dan không phải tay vợt có bộ kỹ thuật thuộc diện hoàn hảo nhất. Nhưng tổng thể hợp lại, Lin Dan hội tụ đầy đủ những tố chất  để đạt tới cảnh giới “không sai số”. Trong một nội dung đánh đơn, Lin Dan đã duy trì vị trí của mình suốt 20 năm. Muốn thắng Lin Dan, bạn đơn giản là phải chơi với 200% sức lực và tuyệt đối, không mắc bất kỳ sai lầm nào là nhỏ nhất. 

    Có một chuyện thế này lặp đi lặp lại trong 3 năm, từ 2011 tới hết 2013, giai đoạn Lee Chong Wei đang ở đỉnh cao phong độ. 3 năm đó, Lee và Lin gặp nhau 3 lần tại chung kết 3 giải đấu lớn (VĐTG 2011, Olympic London 2012 và VĐTG 2013). Kịch bản ba trận diễn ra như sau: Lee Chong Wei thắng set 1, Lin Dan thắng set 2, Lee Chong Wei dẫn sâu ở set 3 trước khi thua ngược chung cuộc. Tỷ số đối đầu giữa hai người trong cả sự nghiệp là 28-12, nghiêng về Lin Dan dù thực tế trong 40 lần chạm trán ấy, Lee Chong Wei có 31 trận thắng set đầu tiên. 

    Chi tiết ấy nói lên điều gì? Peter Gade, một trong bốn tứ trụ của làng cầu lông nhận định trên Independent: “Chiến ý của Lin Dan là thứ không ai có thể học hỏi hay sao chép. Cậu ấy luôn tỏa sáng đúng thời điểm và không bao giờ có sai số ở những điểm số bản lề. Sai lầm lớn nhất của Lee Chong Wei là…sinh cùng thời Lin Dan vì về mặt kỹ thuật, Lee là một tay vợt toàn diện”. 

    Kể từ năm 2014, Lin Dan không còn thường xuyên tham dự các giải đấu World Series trong hệ thống tính điểm BXH thế giới. Nhưng cho tới những giây phút cuối cùng với tư cách VĐV, anh nhận vé đặc cách đánh giải VĐTG. Lin Dan cô độc, vì trên đỉnh cao, anh luôn đứng một mình.

    Vĩ đại qua những con số 

    Trong lịch sử cầu lông thế giới, Lin Dan là tay vợt duy nhất hai lần liên tiếp giành HCV Olympic (2008 & 2012) và cũng là tay vợt duy nhất giành Super Slam (Vô địch thế giới, Vô địch châu Á, Olympic, World Cup, Thomas Cup, Surdiman Cup, Super Series, All England, Asian Games). Tổng cộng, Lin Dan vào chung kết 91 giải cá nhân, vô địch 66 lần và 17 trận chung kết ở các giải đồng đội, vô địch 15 lần. Tỷ lệ thắng trong sự nghiệp của Lin Dan lên tới 77%, cao nhất mọi thời đại.

    Lee Chong Wei rủ Lin Dan khởi nghiệp 
    Trên tờ The Star, Lee Chong Wei gửi lời cảm ơn và chúc mừng tới Lin Dan sau những đóng góp bền bỉ của anh với cầu lông thế giới. Ngoài ra, Lee Chong Wei còn bày tỏ nguyện vọng được phối hợp với Lin Dan trong các dự án tương lai nhằm thúc đẩy hình ảnh bộ môn trên toàn thế giới. “Chẳng dễ dàng gì để Lin Dan đưa ra quyết định. Nhưng không thi đấu, chúng tôi vẫn còn có thể làm nhiều việc khác, trong những vai trò hoàn toàn mới”, Lee Chong Wei gợi ý. 

    XEM THÊM

    Pokimane: Nữ streamer duyên dáng sở hữu kỹ năng chơi game đỉnh cao

    Giải mã 5 giai thoại Boxing ly kỳ nhất

    Cuộc sống 'bình dân' hậu giải nghệ của giới thể thao

    Cẩm Chi • 08:02 ngày 07/07/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay