Ba chức vô địch của Pele và những điều ít biết về một huyền thoại

Kinh Thi
Từ 12:27 ngày 15-11-2022
Sự thật: Pele là cầu thủ duy nhất trong lịch sử 3 lần có tên trong danh sách đội vô địch World Cup (Brazil, vào các năm 1958, 62, 70).

Phản biện: thực chất thì Pele chỉ góp công vào 2 chức vô địch và trong cả hai lần ấy, ông đều không phải là cầu thủ hay nhất. Phản biện của phản biện: “giá trị Pele” có thể còn vĩ đại hơn những gì Pele đã thể hiện ở đấu trường World Cup…

Giống như Diego Maradona trong chức vô địch World Cup 1986 của Argentina, Garrincha gần như một mình tỏa sáng để kéo Brazil đến chức vô địch World Cup 1962 - giải đấu mà Pele là cầu thủ đóng góp ít nhất trong đội (trừ những người hoàn toàn không thi đấu). Tại World Cup 1958 thì Didi là vừa là thủ lĩnh, vừa là cầu thủ xuất sắc nhất. Còn tại World Cup 1970, Pele thi đấu giữa một rừng sao: Tostao, Jairzinho, Rivelino, Gerson, Carlos Alberto…, không vô địch thì quá phí!

Ngày xưa, ai nói Pele 3 lần vô địch World Cup là… sai. Bởi từ World Cup 1974 trở về trước, FIFA chỉ trao huy chương vô địch cho các cầu thủ đá trận chung kết. Có nghĩa là từ năm 1974 trở về trước, Pele chỉ được công nhận 2 lần vô địch World Cup (1958, 1970). Bây giờ, nói “3 lần” lại được. Bởi vào năm 2007 thì FIFA… sửa đổi lịch sử, trao bổ sung huy chương vô địch World Cup cho hơn 120 cầu thủ ngày xưa không được lĩnh huy chương vì không đá trận chung kết (Pele tại World Cup 1962 nằm trong danh sách này).

Thật ra, những gì vừa nêu chỉ là số liệu thuần túy. Dựa vào đấy để cho rằng thế giới tâng bốc Pele hơi quá đà thì chẳng phải là đúng hay sai, mà đấy bất quá chỉ là vấn đề quan điểm. Bản thân Pele có những kỷ lục vô tiền khoáng hậu, như cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong trận chung kết World Cup (17 tuổi, 249 ngày) hoặc cầu thủ trẻ nhất từng lập hat-trick ở World Cup (17 tuổi, 244 ngày). Tất nhiên, nói vậy… cũng chỉ để nói. Nhìn cách Pele chuyền bóng “như chơi” cho Carlos Alberto ghi bàn ấn định tỷ số 4-1 trong trận chung kết World Cup 1970, người ta mới cảm nhận được sự vĩ đại “không thể ghi vào sổ sách” của Pele, ở một trong những khoảnh khắc đọng mãi trong lịch sử World Cup.

Tỏa sáng ở đấu trường World Cup một lần trong suốt đời cầu thủ, có khi là đã là nhiều rồi. Cristiano Ronaldo chưa bao giờ được. Lionel Messi cũng chưa đáng kể. “Ba lần vô địch World Cup” (cứ cho rằng đây đã là một sự chính thức đi) không bao giờ là chi tiết vĩ đại nhất trong sự nghiệp bóng đá của Pele. Những điều vĩ đại hơn thì… kể không hết. Thế giới phải tranh luận xem nên giới thiệu Pele với công tước xứ Edinburgh, hay ngược lại. Pele làm ngưng chiến tranh. Người ta hôn vào nơi Pele vừa đặt chân. Brazil “quốc hữu hóa” tài năng của Pele. Trọng tài bị thay ngay giữa trận, vì… đuổi Pele (và Pele được gọi ra đá tiếp)…. Người ta gọi Pele là “vua bóng đá” vì những câu chuyện như vậy.

Hãy trở lại với đề tài “Pele và World Cup”. Ông chỉ mất đúng 3 phút để (cùng Garrincha và Vava) biến một nỗi thất vọng lịch sử thành một câu chuyện vĩ đại nhất lịch sử. Đấy chính là khoảnh khắc ra mắt của cậu bé 17 tuổi mà sau này cả thế giới phải tôn vinh là “vua bóng đá”.

Cậu bé 17 tuổi Pele đang tranh thủ dạo phố khi cùng ĐT Brazil tham dự World Cup 1958 tại Thụy Điển

ĐT Brazil hòa Anh 0-0 ở trận thứ 2 của vòng bảng World Cup 1958. Sau 28 năm World Cup tồn tại và phát triển, với hàng trăm trận đã đấu, lần đầu tiên thế giới biết rằng: hóa ra người ta vẫn có thể… không ghi được bàn nào trong một trận đấu ở VCK World Cup! Tỷ số 0-0 tuyệt nhiên không hề xuất hiện trong các biểu giá cá cược tại World Cup 1958. Với riêng người Brazil, càng đáng nguyền rủa, bởi chơi bóng mà không ghi bàn là một trọng tội. Đấy là một sự xấu hổ, khi “Selecao” phải… đồng sở hữu kỷ lục về trận đấu đầu tiên không có bàn thắng ở đấu trường World Cup. HLV Vincente Feola đành thay nguyên hàng công, thà dùng một cậu bé 17 tuổi, ở trận kế tiếp!

Pele làm gì khi vừa xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường World Cup? Ông chuyền bóng cho Garrincha dứt điểm dội cột, ngay phút thứ nhất. Đối thủ là Liên Xô và trong khung thành là Lev Yashin - thủ môn vĩ đại nhất lịch sử! Đến phút thứ 2 thì Garrincha chuyền cho Pele dứt điểm dội xà. Và phút thứ 3, sau pha phối hợp với Pele, thì Garrincha chuyền cho Vava ghi bàn.

Huyền thoại Yashin trở thành nạn nhân của 3 phút “tra tấn” ghê gớm nhất ở World Cup xưa nay! Thế còn chân sút vĩ đại nhất World Cup? Kỷ lục ghi 13 bàn của Just Fontaine (Pháp) tại World Cup 1958 chắc sẽ trường tồn. Nhưng khi Pháp gặp Brazil thì Fontaine chỉ ghi 1 bàn, còn cậu bé Pele lập hat-trick! Cách bình luận rằng bóng đá là môn thể thao đối kháng, mà trong đó, bạn “ghê gớm” đến đâu trước tiên tùy vào đối thủ, trở nên quen thuộc từ đó. Có nghĩa: mới 17 tuổi, Pele đã gây ra những ảnh hưởng lớn lao từ sân cỏ đến mặt báo. Maradona vị tất đã được như thế, chứ khoan nói Messi hoặc Ronaldo.

Ngày xưa, người ta cố ý chơi xấu bằng mọi cách để loại bỏ Pele, trong thời kỳ mà luật bóng đá chưa hề bảo vệ cầu thủ như hiện nay. Ông chấn thương tại các kỳ World Cup 1962, 1966 là vì vậy. Đấy cũng là điều làm cho việc so sánh Pele với các ngôi sao hậu thế trở nên khập khiễng. Ông đã chia tay ĐTQG vì nỗi ám ảnh chấn thương, trước khi trở lại ở World Cup 1970. Và khi trở lại, Pele tỏa sáng ở vai trò “số 10”, làm nẩy sinh cách chơi 4-2-3-1 mà hàng chục năm sau trào lưu của bóng đá hiện đại mới theo kịp. Lý thuyết vẫn chỉ ghi nhận Brazil đá 4-2-4 tại World Cup 1970, chứ ít ai lưu ý trung phong Pele thường chơi lùi lại, đứng giữa trung phong Tostao và cặp tiền vệ trung tâm Clodoaldo - Gerson. Các huyền thoại như Michel Platini, Zico, Maradona… sau này đều phải rập khuôn vai trò và cách chơi của Pele tại World Cup 1970.

Trong một chương trình bình luận World Cup 1970 của Sky TV, một bình luận viên người Anh hỏi đồng nghiệp cách đánh vần tên Pele. Đồng nghiệp trả lời: “G-O-D” (God, nghĩa là Thượng Đế, Chúa, Trời…)!

Cái kết cho một sự “chơi khăm”

Trong cuộc họp chuyên môn để rà soát mọi vấn đề trước ngày khai mạc World Cup 1958, phái đoàn Brazil vắng mặt, trong khi người ta phát hiện ra rằng đội Brazil… quên đăng ký số áo (số áo chỉ xuất hiện ở đấu trường World Cup từ năm 1954). Đại diện đoàn Uruguay giúp Brazil đăng ký bổ sung, và “chơi khăm” khi trao chiếc áo số 10 danh giá cho cầu thủ trẻ nhất giải, chắc sẽ không được ra sân. Cái kết của câu chuyện này – huyền thoại về những “số 10” – thì ai cũng biết. Nhưng cần lưu ý: ban đầu, Pele quả không được sử dụng tại World Cup 1958.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x