90% không quan tâm tới bóng đá
Qatar hiện là nhà đương kim vô địch của châu Á. Họ đăng quang ở giải vô địch châu Á hồi 2019. Để ăn mừng sự kiện này, họ thậm chí còn dựng lên cả một bảo tàng mới. Tôi nghĩ rằng bảo tàng ấy là nơi phù hợp để bắt đầu chuyến phiêu lưu bóng đá ở Qatar, nên tôi đã tới Souk Waqif. Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên của tôi là người dân bản địa không quan tâm lắm tới danh thắng này. Ở bảo tàng, tôi gặp toàn người nước ngoài.
Thực ra, khái niệm “nước ngoài” ở Qatar khá mờ nhạt. Qatar có 2,9 triệu dân, thì 90% trong đó là những người di cư. Không dễ để tìm ra một người Qatar giữa những người Yemen, Kuwait, hay Saudi Arabia. Thật may, cuối cùng tôi cũng tìm được một người. Anh là Rashid. Nhưng thật không may, Rashid từ chối ngay đề nghị nói chuyện về bóng đá của tôi. “Ôi không, đừng nói chuyện bóng đá với tôi. Tôi có biết gì đâu. Có thể người khác sẽ quan tâm đấy, nhưng tôi thì không,” Rashid chối đây đẩy.
Không có cách nào khác, tôi đành bắt chuyện với những người nước ngoài. Một anh chàng người Thổ chỉ cho tôi sang một quán café ở bên kia đường. Tiếp tôi là một người đàn ông Ai Cập 49 tuổi tên là Allah-Eddine. Sau khi chiêu hết một ngụm karak, thức uống truyền thống ở đây, Allah-Eddine kết luận: “Ở đây, 90% dân số không quan tâm tới bóng đá. Ở Ai Cập tỉ lệ cũng giống thế, nhưng là ngược lại”. Một anh chàng người Algeria chen ngang vào câu chuyện của chúng tôi, anh khẳng định người Qatar chẳng biết gì về bóng đá bởi vì “họ không có chút truyền thống bóng đá nào”.
Rouda, một cô gái trẻ người Qatar mà tôi phải rất vất vả mới bắt chuyện được, thì nói rằng cô hi vọng “World Cup sẽ khiến người dân chúng tôi yêu bóng đá hơn”. Rouda khoe một đoạn video mà cô quay từ trên khán đài trong một trận đấu ở Cúp Ả-rập. “Tôi rất mong chờ được chào đón người từ các quốc gia khác tới đây. Nghe nói rằng sẽ có khoảng 1 triệu người nước ngoài tới Qatar trong thời gian diễn ra World Cup đấy”.
Café bóng đá là gì?
Sự thờ ơ của người dân Qatar với bóng đá thể hiện rõ nhất qua một thống kê đáng buồn: chỉ có duy nhất một quán café phong cách bóng đá ở quốc gia này. Và quán này thực ra mới được khai trương hồi tháng Hai. Nằm trên đường Al-Abbas, quán café mà chúng ta đang nói tới, Football Coffee, được trang hoàng bằng rất nhiều logo của các CLB, và quan trọng là tivi được lắp ở khắp nơi. Chủ quán, Mohamed Heni Bani, hóa ra là một người… Tunisia. Và anh thú nhận rằng lý do duy nhất anh mở quán là để ăn theo World Cup. “Thực ra chúng tôi không nhắm tới khách Qatar,” Mohamed nói, “mà là các chuyên gia và công nhân nước ngoài, những người thực sự đam mê bóng đá”.
Một vấn đề lớn khác với những người nước ngoài đam mê bóng đá ở Qatar, là họ sẽ không dễ có cơ hội sở hữu những tấm vé tới xem các trận đấu ở kỳ World Cup năm nay, dù nó diễn ra ngay trên “sân nhà” của họ. Tại Football Coffee, Hamid khoe tôi 5 tấm vé xem các trận đấu vòng bảng mà anh may mắn sở hữu, trước những ánh mắt ghen tị của bạn bè. “Hai vé tôi mua với giá 40 riyal (10 euro), ba vé còn lại với giá 250 riyal (62,5 euro),” anh chàng Tunisia nói. Những người may mắn như Hamid không nhiều. Ngay sau khi được mở bán, vé xem bóng đá ở Qatar đã trở thành một món hàng hiếm. Giá được đẩy lên tới hàng nghìn euro mỗi cặp.
Không chỉ giá vé, giá khách sạn ở Qatar dịp World Cup cũng cao điên rồ, trung bình tới 2.000 euro mỗi đêm. Bình thường, các fan có thể tìm kiếm cơ hội qua đêm với chi phí tiết kiệm theo dạng home stay, tức ở cùng người bản địa. Nhưng người Qatar không thích điều đó. Thậm chí, nhiều người Qatar còn nói rằng ngay khi World Cup bắt đầu, họ sẽ… rời đi.
Bia, bia, bia
Nhiệt độ ngoài trời ở Qatar rất cao. Thế nên, theo lẽ tự nhiên, nhu cầu uống cái gì đó mát mát cũng rất lớn. Khi nói tới cái gì đó mát mát, ý tôi tất nhiên là bia. Có cái gì đó khó tách rời giữa các CĐV bóng đá cuồng nhiệt và thứ nước uống thần thánh này. Trước khi tới Qatar, tôi đã biết được những quy định ngặt nghèo của Qatar liên quan tới các loại nước uống có cồn. Nên tôi rất ngạc nhiên, và khấp khởi hi vọng, khi thấy trên Facebook một nhóm chuyên gia Australia ở Qatar hẹn nhau tụ tập trước trận giao hữu giữa UAE với Australia với lời nhắn: “giảm giá 25% cho tất cả các loại đồ uống”.
Mitch, admin của nhóm, đồng ý gặp tôi. Anh đã ở Qatar 3 năm, nhưng không làm việc, mà chủ yếu đi chơi golf. Lý do anh được ở Qatar là vợ anh đang làm việc cho Qatar Airways. Mitch dẫn tôi lên tầng 5 của khách sạn Radisson Blu, tại đây, một nhân viên an ninh yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu để đảm bảo tôi không phải là người Qatar, giữ nó lại và cho tôi vào. Mitch nói rằng sở dĩ anh và bạn hữu Australia hay tụ tập ở đây, là bởi nơi đây giá bia rẻ nhất Qatar. Nói là rẻ, nhưng mỗi cốc vại cũng có giá tới 40 riyal, tức 10 euro. Dù sao, có vẫn hơn không.
Tin vui, chính phủ Qatar đã xem xét nới giãn các quy định về cấm rượu bia. Theo đó, các CĐV được phép mua và uống bia trong thời gian từ 3 tiếng trước trận tới 1 tiếng sau trận. Nhưng chỉ ở các fan zone của FIFA. Một lần nữa, điều này là không đủ để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ của bia. Nhưng một lần nữa, có còn hơn không.