Tay đua vĩ đại nhất lịch sử
Kết thúc chặng đua Russian Grand Prix hôm 26/9 vừa qua, thế giới F1 đã chính thức biết được ai đang là tay đua vĩ đại nhất lịch sử. Vinh dự này thuộc về Lewis Hamilton, người đã về nhất tại chặng Russian Grand Prix và trở thành tay đua đầu tiên trong lịch sử cán mốc 100 chặng thắng.
Sau chặng đua này, trong bài phỏng vấn, phóng viên CNN cũng đã nhắc tới danh xưng “vĩ đại nhất lịch sử F1” thay thế cho tên Hamilton. Tay đua người Anh chỉ mìm cười và đáp: “Tôi không nghĩ nhiều đến danh xưng này, bởi rất khó để so sánh về đẳng cấp giữa những tay đua với nhau. Tôi đơn giản chỉ muốn tận hưởng khoảnh khắc này và gọi nó là thời khắc vĩ đại nhất trong sự nghiệp của mình mà thôi”.
Dù tỏ ra khiêm tốn, nhưng tin chắc rằng Lewis Hamilton có lý do để tự hào về bản thân. Tay đua 7 lần vô địch thế giới, thắng 100 chặng đua này đã đi một hành trình không tưởng để có được vị thế ngày hôm nay.
F1 từng được coi là sân chơi của riêng giới quý tộc. Nhiều người cố tình né tránh nhưng cựu ông trùm F1, Bernie Ecclestone đã thẳng thắn nói ra: “Một tay đua da màu trong làng F1 gặp nhiều khó khăn hơn so với các đồng nghiệp da trắng”. Bản thân Hamilton hiểu sâu sắc điều này.
Thời thơ ấu Hamilton là học sinh của trường Công giáo John Henry Newman ở Stevenage (Anh). Cuộc sống trở nên đặc biệt khó khăn với Lewis khi cả trường chỉ có 3 học sinh da màu và anh là một trong số đó. Hamilton đã nhiều lần tâm sự về cảm giác cô độc, bị xa lánh, bị đối xử bất công thời thơ ấu. Tay đua này thậm chí đã phải học karate để tự bảo vệ bản thân khỏi bạn bè, để trở nên cứng cáp hơn trong mắt bố mẹ.
Nguồn cảm hứng Tom Brady
Sau khi bén duyên F1 và bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, anh cũng phải sống một cuộc đời tương đối khác biệt của “tay đua da màu đầu tiên trong lịch sử môn thể thao này”. Lewis gần như không bao giờ chia sẻ những trải nghiệm bị phân biệt chủng tộc, nhưng không khó để bắt gặp trên mạng xã hội những bình luận ác ý, miệt thị dành cho anh.
Hamilton theo đuổi gu thời trang tương đối khác người, khi thì hầm hố, lúc lại màu mè, nữ tính. Anh cũng trải qua rất nhiều mối tình với những sao nữ đình đám. Cứ mỗi khi những thông tin về đời tư của Hamilton xuất hiện trên mạng xã hội, dân mạng lại ùa vào để lại không ít bình luận xấu tính. Đôi khi có cảm giác người ta dùng màu da của Hamilton để lý giải cho tất cả những ồn ào đời tư của tay đua này.
Hamilton luôn ý thức được cơ hội thành công của những người da đen ở Anh khó thế nào. Theo điều tra xã hội học, số lượng sinh viên da màu bị đình chỉ học vĩnh viễn cao gấp 1,7 lần so với những sinh viên da trắng. Bản thân Hamilton cũng là một trong những người từng bị đuổi học.
Thời còn trẻ và mới chập chững cầm lái những con quái thú F1, Hamilton nhìn vào huyền thoại quá cố Ayrton Senna làm động lực phấn đấu. Tuy nhiên, sau khi đã có đôi chút danh tiếng, Lewis lại chuyển sang thần tượng Tom Brady – một ngôi sao… bóng chày.
“Là một VĐV thể thao, bạn cần tìm cho bản thân một hình mẫu gần nhất với khát vọng của mình. Tôi thấy ở Tom Brady rất nhiều. Tinh thần, sự tập trung vào các chi tiết nhỏ và khát vọng hướng tới sự hoàn hảo của anh ấy đã cho tôi rất nhiều động lực trong cuộc sống”, Hamilton nói.
Việc Tom Brady nhiều lần khẳng định bản thân có thể thi đấu đỉnh cao đến năm 50 tuổi cũng tạo động lực cho Hamilton. “Tôi không nghĩ bản thân có thể đua xe đến năm 50 tuổi, nhưng ai mà biết trước tương lai. Tôi sẽ tập luyện và thi đấu với tinh thần này”, tay đua người Anh nói thêm.
Hamilton tiết lộ về người phụ nữ quan trọng nhất sự nghiệp
Trong bài phát biểu mới đây, Lewis Hamilton đã nhắc về một người phụ nữ, mà theo anh, nếu thiếu cô, anh sẽ không thể có ngày hôm nay. Không phải mẹ hay người yêu, mà chính là nhà vật lý trị liệu Angela Cullen. Nhân vật mà Hamilton thường gọi là Kiwi này bắt đầu làm việc với anh từ năm 2016 và đã góp công giúp Lewis giữ được tinh thần và thể chất cực kỳ ổn định. “Tôi và Kiwi đôi khi còn sống cùng nhau. Chúng tôi vô cùng thân thiết”, Lewis tâm sự.
Hamilton được gọi là Sir từ khi nào
Không nhiều người để ý rằng, Lewis Hamilton đã được thêm chữ “Sir” danh dự vào tên kể từ cuối năm 2020. Anh đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ trong buổi lễ vinh danh những nhân vật thể thao vĩ đại nhất nước Anh vào cuối năm 2020. Hamilton chính là tay đua thứ 4 trong lịch sử được phong tước Hiệp sĩ sau các huyền thoại Sir Stirling Moss, Sir Jack Brabham và Sir Jackie Stewart.