Thiết lập tiêu chuẩn mới
Vào thập niên 80 thế kỷ trước, làng quần vợt nữ được thố ng trị bởi Chris Evert và Martina Navratilova. Trong nhiều năm liền, hai người chia sẻ các danh hiệu Grand Slam nhưng bằng cách nào đó, không một ai có thể lên ngôi trọn vẹn ở cả 4 giải đấu. Navratilova đã hai lần tiến gần tới vinh quang cao nhất khi giành 3 Grand Slam vào các năm 1983 & 1984 và oái oăm thay, mảnh ghép duy nhất còn sót lại rơi vào tay… Evert.
Và rồi đột nhiên, một cô gái trẻ 16 tuổi người Đức với tính cách trầm lặng nhưng sở hữu phong cách thi đấu quyết liệt xuất hiện, chen ngang và định hình lại bản đồ quyền lực tennis. Cô là Steffi Graf.
Năm 1987, Steffi Graf mang tới sự bùng nổ chưa từng có trong lịch sử quần vợt. Graf giống như cơn cuồng phong cuốn bay mọi vật cản trên con đường tiến bước. Năm đó, Graf tham gia 13 giải đấu, vào chung kết 13 giải và vô địch 11 trong số đó. Không ai có thể cưỡng lại sức mạnh vô song của Graf.
Ngày 6/6/1987 đánh đấu bước chuyển mình quan trọng của cá nhân Graf và hệ thống thi đấu WTA. Cô xuất hiện ở chung kết Roland Garros, gặp Navratilova – hơn mình tới 13 tuổi và đã có kinh nghiệm chinh chiến ở 23 trận chung kết trước đó. 17 tuổi, không sợ hãi và vừa trải qua chuỗi trận thăng hoa, Graf lật đổ tượng đài banh nỉ sau 3 set đấu. Chiến thắng đó là khởi đầu cho chuỗi 13 trận chung kết Grand Slam liên tiếp sau đó.
1987 là mốc thời gian bản lề cho sự nghiệp của Graf. Năm ấy, cô chơi 77 trận thì thắng tới 75. Hai thất bại duy nhất đều diễn ra trước Navratilova tại Wimbledon & Mỹ mở rộng và kể cả như thế, giới chuyên môn hiểu rằng quá trình chuyển giao quyền lực đang âm thầm diễn ra.
Hồi ức 1988
Graf khởi đầu năm 1988 với vị trí số 1 thế giới, chấm dứt kỷ nguyên kéo dài 13 năm của Evert và Navratilova. Nhưng lúc đó, Graf cũng không bao giờ nghĩ rằng 1988 là thời khắc lịch sử được cô viết ra, không chỉ là trong bối cảnh của tennis “phái yếu”, mà còn trên phương diện toàn bộ hệ thống quần vợt chuyên nghiệp thế giới.
Cô khởi động chiến dịch 1988 bằng chiến thắng tuyệt đối ở Úc mở rộng: 7 trận thắng và không đánh rơi set đấu nào. Người bại trận dưới tay Graf là… Evert. Trên khán đài, góc máy quay truyền hình vội vàng lia ống kính tới chỗ ngồi của Navratilova, như để báo hiệu cho thời đại của tân nữ hoàng quần vợt.
Tiếp theo là Roland Garros. Vẫn là một giải đấu Graf không có đối thủ, nhưng cấp độ “vô đối” đã được nâng lên tầm cao mới. Trong 14 set đấu tại Pháp, có tới 10 giơ đấu Graf giành thắng lợi với các tỷ số 6-0 hoặc 6-1. Trận chung kết, cô gặp Natasa Zvereva. Kết quả chung cuộc: 6-0, 6-0 sau 32 phút. Cho tới bây giờ, đấy vẫn là chung kết Grand Slam ngắn nhất lịch sử và có lẽ, sẽ chẳng ai phá được kỷ lục đó của Graf.
Tới Wimbledon, Graf tiếp tục phong độ cao. Trên đường vào chung kết, cô duy trì thành tích “bất bại”. Ở sân đấu hoàng gia, Navratilova đang đợi sẵn với quyết tâm cao độ sẽ ngăn chặn Graf. Set 1, quyết tâm ấy đã chuyển hóa thành hiện thực khi Graf thua 5-7, giơ đấu đầu tiên cô gục ngã sau 40 thắng lợi liên tiếp. Hóa ra, đó là tất cả những gì Navratilova làm được. Hai set sau, Graf dồn nén mọi cảm xúc, đè bẹp đàn chị với tỷ số 6-0, 6-1.
Đó chính là những gì diễn ra tại Mỹ mở rộng, khi tay vợt cùng thế hệ Gabriela Sabatini chỉ có thể kéo dài trận đấu sang set thứ 3. Graf hoàn thành bộ sưu tập.
Vấn đề ở chỗ, đấy chưa phải điểm dừng chân cuối cùng. Cùng năm 1988, tennis chính thức trở lại nội dung thi đấu của Olympic sau 64 năm vắng mặt vì tranh cãi giữa hiệp hội nhà nghề và bán chuyên. Lại là Sabatini, nhưng khi đã tiến vào chung kết và nhìn thấy Graf, tay vợt người Argentina đành tặc lưỡi và thốt lên: “Quay xe, đi về”.
4 Grand Slam và HCV Olympic trong một năm, Graf mãi mãi là kỷ lục gia không thể thay thế của tennis.
“Graf là vĩ đại nhất” Agassi yêu vợ hơn yêu tennis |
XEM THÊM
Góc khuất của Andre Agassi: Một thiên tài chối bỏ bản ngã (Phần 1)