Sẽ có 2 luồng dự đoán, một là Quang Hải sẽ ra đi và điểm đến là một đội bóng nước ngoài. Hai là anh sẽ ở lại Hà Nội và có thể nhận được một khoản tiền lót tay cao nhất trong lịch sử, bởi chẳng đời nào Hà Nội chịu mất một “báu vật” như thế.
Không quá khó để định giá Quang Hải vào thời điểm này. Chắc chắn, anh phải cao hơn mức lót tay của Quế Ngọc Hải hay Phan Văn Đức, chứ không chỉ là 300.000 euro (7,8 tỷ đồng) như trang tin uy tín về chuyển nhượng Transfermarkt đã định giá. Tức, nếu Quang Hải chấp nhận ở lại, anh sẽ có rất nhiều tiền và tiếp tục đóng vai “hoàng tử” ở đội bóng Thủ đô. Tất nhiên, nếu cái kịch bản này trở thành sự thật thì bộ phim được chờ đợi nhất xem như đóng máy.
Ở thời điểm này, Quang Hải là một trong số ít những cầu thủ Việt Nam được đánh giá có cơ hội thành công khi xuất ngoại. Thực tế, Hải từng nhận được rất lời chào mời từ châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan... Nhiều tờ báo quốc tế nhận định, Hải nên đi để bứt phá và tạo ra những động lực cho bản thân. Một nhận định có tính chủ quan, sự cảm tính chiếm phần nhiều trong đó nhưng lại hoàn toàn có lý.
Có nhiều ý kiến cho rằng, J.League giải đấu hoàn toàn phù hợp với năng lực của cầu thủ Việt Nam trước khi tìm đến một “thiên đường” mơ ước khác. Nếu phải lấy ra một tấm gương về sự cầu tiến, chắc chắn đấy phải là Chanathip Songkransin. Từ những những bước chạy bị hồ nghi, “Messi Thái” đã trở thành một trong những ngôi sao đắt giá nhất J.League. Tiếc thay, những chấn thương ập đến đã khiến tiền vệ người Thái Lan đánh mất phong độ.
Chanathip là một tấm gương, chứ không phải là hệ quy chiếu. Quang Hải hay nhiều cầu thủ khác từ Việt Nam có thể thành công và cũng có thể thất bại. Vấn đề nằm ở chỗ, họ cần một sự dũng cảm, dám làm mới để biết giới hạn của bản thân. Trận đấu với Nhật Bản vào tối nay thực sự là một cơ hội, một lời chào mời của Hải và các đồng nghiệp tới các CLB của Nhật Bản. Biết đâu đó, một cánh cửa mới sẽ mở ra sau 90 phút so giày.