Bóng Đá Plus trên MXH

Vì sao VĐV trượt băng xoay nhiều vòng mà không chóng mặt?

10:01 ngày 19/02/2022
Không ít những khán giả dõi theo thế vận hội mùa Đông đang diễn ra cảm thấy thán phục những VĐV trượt băng nhỏ bé, mảnh khảnh nhưng có thể xoay hàng chục vòng liên tục mà không chóng mặt. Bí quyết của họ là gì?

    VĐV có chóng mặt khi mới tập luyện?

    Hỡi những cô nàng, anh chàng ngồi trên xe ô tô đi được dăm ba cây số là say bí tỉ, những thanh niên lực lưỡng chống tay xoay tại chỗ được chục vòng là chóng mặt ngã dúi dụi, các bạn có thấy ngưỡng mộ trước những VĐV trượt băng nghệ thuật có thể xoay nhiều vòng trên không trung, xoay liên tục cả phút mà mặt vẫn tỉnh bơ không? 

    Các bạn có biết một VĐV trượt băng hoặc một vũ công múa ballet có thể xoay liên tục 32 vòng, với tốc độ 6 vòng/giây hay không? Họ còn phải thực hiện động tác xoay đó (gọi là kỹ thuật fouette) rất nhiều lần trong phần thi. Tại sao họ không chóng mặt? Hay do cơ địa của họ khác với chúng ta? Cùng nghe VĐV trượt băng từng giành huy chương đồng tại Olympic Hàn Quốc 2018, Mirai Nagasu tiết lộ bí quyết nhé.

    Đầu tiên là câu hỏi: VĐV xoay nhiều như vậy thì có chóng mặt không? Có nhé. Trong thời gian đầu làm quen với môn thể thao này, bất kỳ VĐV nào sau khi xoay liên tục đều bị chóng mặt. Tuy nhiên, quá trình luyện tập gian khổ giúp họ dần kiểm soát được cơn chóng mặt. “Chúng tôi trải qua một quá trình luyện tập để có khả năng chống lại lực quán tính khi quay vòng”, Nagasu cho CNN biết. Theo Nagasu thì trung bình là sau 1 năm đầu tập luyện, đa phần VĐV trượt băng đã có thể kiểm soát được cơn chóng mặt. 

    Giáo sư của đại học Johns Hopkins, Kathleen Cullen cho chúng ta câu trả lời khoa học hơn chút. Bà Kathleen Cullen có thâm niên rất nhiều năm nghiên cứu về hệ thống tiền đình của con người – hệ thống chịu trách nhiệm cho cảm giác thăng bằng của cơ thể. Bà cho biết, quay nhiều vòng mà không chóng mặt là một nghệ thuật được hoàn thiện theo thời gian.

    Để kiểm soát được cơn chóng mặt,  các VĐV đã phải luyện tập hàng năm trời

    Kiểm soát được não bộ

    “Khi bạn xoay vòng, các kênh bán nguyệt của cơ thể được kích hoạt. Các kênh bán nguyệt này được kiểm soát bởi một chất lỏng gọi là nội dịch. Nội dịch nằm trong tai của bạn. Khi bạn xoay, các nội dịch họat động cảm nhận được chuyển động quay. Tuy nhiên, khi bạn dừng lại, các nội dịch vẫn tiếp tục chuyển động và nó truyền tới não bộ thông tin sai – rằng cơ thể bạn vẫn đang xoay. Đó là lý do bạn bị chóng mặt”, bà Cullen giải thích.

    Vậy để ngăn cảm giác chóng mặt sau khi xoay vòng, cơ thể con người phải ra lệnh được cho các kênh bán nguyệt ngừng truyền thông tin sai đến não bộ. “Trong quá trình tập luyện, ngày qua ngày, tháng qua tháng, não bộ của các VĐV bắt đầu dần nhận biết được thông tin sai. Vậy nên trong khi phần lớn chúng ta đều có cảm giác thế giới vẫn đang xoay tròn khi chúng ta đã ngừng xoay, não bộ của các VĐV đã ngay lập tức nhận biết được họ đã ngừng chuyển động xoay. Đó là lý do họ không cảm thấy chóng mặt, hoặc cảm giác chóng mặt chỉ thoáng qua, rồi được não bộ kiểm soát ngay lập tức”, bà Kathleen Cullen giải thích thêm.

    Bên cạnh được việc VĐV phải tập luyện hàng năm trời để kiểm soát cơn chóng mặt, họ cũng được truyền một số thủ thuật trong trường hợp não bộ đột ngột không kịp xử lý thông tin. Bí mật là tập trung nhìn vào một điểm cố định nào đó hoặc đứng yên trong vài giây để lấy lại cảm giác thăng bằng. Một số VĐV khi ngừng xoay sẽ tự nhìn vào chính đôi giày trượt của họ để ngay lập tức lấy lại thăng bằng.

    Kỹ thuật xoay cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tốc độ và biên độ xoay sẽ tăng dần theo thời gian, phần đầu phải được giữ nguyên, tuyệt đối không dừng xoay đột ngột mà phải giảm dần tốc độ xoay rồi dừng từ từ.

    Vậy nên nếu các bạn cảm thấy căn bệnh tiền đình đang hành hạ, các bạn sợ đi tàu thuyền, xe cộ vì chứng tiền đình thì đừng nản chí nhé, quá trình tập luyện, thích nghi có thể giúp các bạn, chí ít là kiểm soát được chứng say tàu xe. 

    VĐV trượt băng đi găng tay làm gì?
    Một trong những phụ kiện không thể thiếu của các VĐV trượt băng là đôi găng tay. Họ đi găng tay làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: Để giảm thiểu chấn thương nếu chẳng may bị ngã. Mặt băng rất cứng, có thể gây xước tay rất nặng nếu mài xuống. Thêm vào đó, một vài VĐV có cả động tác nhào lộn khi thi, nên buộc phải có găng tay để thực hiện kỹ thuật này. 

    Tại sao VĐV trượt băng đi tất trùm giày?
    Rất nhiều VĐV trượt băng nghệ thuật đi tất chân trùm cả đôi giày trượt. Tại sao? Theo VĐV từng giành huy chương vàng trượt băng toàn nước Mỹ năm 2013, Courtney Hicks thì đi tất phủ lên đôi giày trượt đơn giản là giúp đôi chân nhìn dài và thon hơn. Ngoài ra thì một số VĐV cho rằng đôi tất sẽ giữ cho giày trượt chắc chắn hơn khi xoay.

     

    Lâm Phong • 10:01 ngày 19/02/2022

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay